Việt
Nam với quy mô dân số lớn và xu hướng tăng dân số cao được dự báo sẽ vào
nhóm 10 nướ c có dân số lớn nhất thế giới. Ngoài ra, sự phân bố dân số ở
nước ta không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng và thưa thớt hơn ở khu
vực miền núi. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng dân số thường đi kèm với những thay
đổi sử dụng đất, sự mở rộng các đô thị và các hệ lụy của sự suy giảm liên tục
của hệ sinh thái. Từ khi đánh giá tác động môi trường được giới thiệu ở
Việt Nam, nó đã được chấp nhận nhanh chóng như là một công cụ bảo vệ môi trường
và đã trở thành một yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã
hội (KT-XH) ở nước ta. Tuy nhiên, đánh giá tác động môi trường đã gây ra
nhiều tranh cãi khi ứng dụng vào thực tiễn. Việc thực hiện nó có một số thách
thức vì có mối liên quan với sự đồng tình của cộng đồng và sự chuẩn xác trong
việc đánh giá các tác động đến môi trường của các hoạt động phát triển KT-XH.
Nói cách khác, đánh giá tác động môi trường không chỉ là một công cụ pháp
lý, nó còn là công cụ khoa học, kỹ thuật nhằm giải quyết một cách hài hòa trong
mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi
trường. Có thể thấy rằng công tác đánh giá tác động môi trường liên quan
chặt chẽ với công tác quản lý môi trường và quy hoạch môi trường. Thực hiện tốt
việc đánh giá tác động môi trường sẽ giúp ích cho cả hai công tác này.
Nhìn
chung, quá trình đánh giá môi trường bị ảnh hưởng mạnh bởi các chính sách quốc
tế. Cũng như các công cụ pháp lý khác, đánh giá tác động môi trường đòi hỏi
phải trải qua một quá trình thiết lập, thực thi và đánh giá thực hành để cải
thiện dần. Tại Việt Nam, bất chấp những tiến bộ của thế giới, hoạt động đánh
giá tác động môi trường của quốc gia vẫn còn đang được hoàn thiện trong điều
kiện thực tiễn KT-XH, pháp luật còn khá hạn chế. Mặc dù công tác đánh giá tác
động môi trường đã được thực hiện qua nhiều thập kỷ ở nước ta, nhiều vấn đề về
phương pháp luận của đánh giá tác động môi trường vẫn đang được tiếp tục
nghiên cứu và dần hình thành một ngành khoa học. Đây là một ngành khoa học mang
tính liên ngành, đòi hỏi sự liên kết của nhiều ngành khoa học khác nhau như sinh
học, hóa học, địa lý học, địa chất học và kinh tế - xã hội học,... Do tính chất
cần thiết cùng với tính thực tiễn và lợi ích của đánh giá tác động môi
trường, Giáo trình Đánh giá tác động môi
trường được biên soạn nhằm cung cấp các nguyên tắc cơ bản trong công tác
đánh giá tác động môi trường bao gồm các cơ sở lý thuyết và thực hành. Các
nội dung chính của giáo trình gồm các chương sau:
Chương
1: Giới thiệu về đánh giá tác động môi trường
Chương
2: Đánh giá tác động môi trường trên thế giới và ở Việt Nam
Chương
3: Các phương pháp đánh giá tác động môi trường
Chương
4: Đánh giá tác động đến các thành phần môi trường
Chương
5: Xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường